Các loại hình đầu tư thường gặp nói chung và ở New Zealand nói riêng.

Gửi tiết kiệm

Gửi tiền ngân hàng là cách đầu tư ít rủi ro nhất, phù hợp với khoảng đầu tư ngắn hạn (thường dưới 1 năm).

Mục đích gửi tiết kiệm

  • Tiết kiệm tiền cho mục đích ngắn hạn. Ví dụ: để đi du lịch hay mua xe
  • Giữ khoản tiền đề phòng những trường hợp khẩn cấp. Ví dụ: mất việc hay chữa bệnh
  • Là một loại hình đầu tư để đa dạng hoá và giảm thiểu rủi ro cho các loại hình đầu tư khác. Ví dụ: chứng khoán

Các loại hình gửi tiết kiệm

1. Call Account (tài khoản giao dịch)

Mỗi ngân hàng có tên gọi khác nhau. Nhưng đặc điểm chung là một tài khoản ngân hàng giống như tài khoản dao dịch. Không mất phí rút tiền và có thể rút bao nhiều lần cũng được. Tuy vậy vẫn được hưởng lãi suất hàng tháng. Tỉ lệ lãi suất thuộc loại thấp nhất so với các loại hình gửi tiết kiệm khác trên thị trường. Nếu bạn dùng ANZ thì tài khoản này gọi là Online Account.

2. Savings Account (tài khoản tiết kiệm)

Đây là loại tài khoản có mức lãi suất cao hơn tài khoản giao dịch một chút. Nếu bạn chỉ rút tiền ít hơn một lần một tháng thì bạn sẽ được hưởng lãi suất thưởng. Thường là cao hơn nhiều so với mức lãi suất nếu bạn rút hai lần trở lên. Tài khoản này phù hợp để dùng cho các mục đích ngắn hạn. Ở ANZ thì tài khoản này gọi là Serious Saver.

3. Short-term Deposit (gửi tiết kiệm ngắn hạn)

Giống như gửi sổ tiết kiệm từ 30 ngày, 60 ngày cho đến 1 năm. Lãi suất là cố định, cao hơn so với hai loại hình bên trên. Và bạn sẽ không được rút tiền trước khi đáo hạn. Thường bạn sẽ bị phạt nếu muốn rút sớm và nhiều ngân hàng yêu cầu phải báo trước trên 30 ngày. Đáng chú ý là số tiền gửi thường phải là ít nhất $5,000 tuỳ ngân hàng. Ở ANZ thì loại hình này là Term Deposit hay PIE Fund Term Option.

So sánh tỉ lệ lãi suất trên thị trường

Mỗi loại hình đầu tư mang lại mức lợi nhuận khác nhau.
Mỗi loại hình đầu tư mang lại mức lợi nhuận khác nhau.

Đầu tư trái phiếu

Đầu tư trái phiếu có lãi suất cao hơn so với gửi tiết kiệm nhưng cần phải đầu tư ít nhất là 1 năm. Trái phiếu được phát hành bởi chính phủ hoặc doanh nghiệp. Đây là một loại vay nợ từ người dân để dùng cho các mục đích xã hội hay kinh doanh. Thường thì bạn sẽ được trả lãi định kỳ hàng năm cho đến khi trái phiếu đáo hạn. Và bạn sẽ nhận lại được toàn bộ số tiền ban đầu tại thời điểm đáo hạn. Bạn cũng có thể bán trái phiếu trước khi đáo hạn nhưng giá trái phiếu có thể lên xuống theo thị trường.

Trái phiếu rủi ro hơn so với gửi tiết kiệm. Nhưng lại là một loại hình đầu tư an toàn hơn so với chứng khoán. Trái phiếu thường được dùng để giảm thiểu rủi ro chứng khoán.

Đầu tư bất động sản

Có hai loại đầu tư BĐS: nhà ở và thương mại.

BĐS nhà ở thường được mua với mục đích đầu tư lấy lãi từ: tiền cho thuê và giá trị gia tăng khi bán. Thường thì đầu tư BĐS cần ít nhất là 5 năm. So với các loại hình đầu tư khác thì BĐS có mức rủi ro trung bình và hiệu quả thuộc tầm trung khi đầu tư lâu dài. BĐS ở New Zealand trong ba thập niên trở lại đây tăng chóng mặt. Vì thế BĐS đã là một loại hình đầu tư an toàn và đem lại lợi nhuận cao cho rất nhiều người. Đọc thêm bài “Vì sao đầu tư bất động sản ở NZ là tốt nhất (đến nay)“.

Điểm bất lợi của đầu tư BĐS là thoái vốn chậm, mất nhiều phí (nhà đất, môi giới, quản lý). Và nhiều khi mất tiền sửa chữa nếu nhà bị hỏng hay dột. Nhiều người đánh giá rất thấp các loại chi phí này, chỉ đến khi gặp rồi mới ngã ngửa. Một điểm bất lợi khác là lãi suất ngân hàng có thể tăng dẫn đến mức tiền trả nợ mortgage tăng. Và chính phủ có thể ra luật đánh thuế vào nhà đầu tư BĐS như đã công bố cuối tháng 3/2021.

Đầu tư chứng khoán

Đầu tư chứng khoán hay cổ phiếu là loại hình đầu tư cần ít nhất từ 5-10 năm. Nếu tính về lâu dài thì chứng khoán sẽ mang lại mức lợi nhuận cao nhất so với ba loại hình đầu tư bên trên. Nhưng chứng khoán lại có rủi ro lớn nhất và mức dao động nhiều nhất trong khoảng thời gian ngắn. Thường thì nhà đầu tư sẽ trông đợi vào mức tăng của cổ phiếu để lấy lời khi bán ra (capital gains). Hơn là trông đợi vào cổ tức (dividends) được trả từ doanh nghiệp phát hành cổ phiếu.

Đầu tư vào chứng khoán có hai loại: passive (đầu tư vào các chỉ số chứng khoán), và active (đầu tư chủ động vào các cổ phiếu riêng lẻ). Active yêu cầu nhà đầu tư phải có hiểu biết về thị trường chứng khoán cùng với hiểu biết về doanh nghiệp mà mình đầu tư và ngành kinh doanh của doanh nghiệp đó. Nhiều dữ liệu đã chứng mình phần lớn các nhà đầu tư chuyên nghiệp (active) không đạt được hiệu quả đầu tư tốt hơn so với các chỉ số chứng khoán trong một thời gian dài.

Đầu tư chứng khoán không phức tạp như nhiều người tưởng. Và cũng không mất thời gian như nhiều người nghĩ. Cùng đón đọc bài viết “Đầu tư chứng khoán thế nào thì tốt”.